E đến lớp cùng ai?
Hồi học trường làng, lớp tôi có một chú tiểu. Chú mang theo lồng chim sáo, treo trước hiên lớp. Giờ ra chơi bọn tôi xúm lại trêu chỉ để nghe tiếng chim sáo lặp đi lặp lại: “A-di-đà Phật!”. Tiếng “A-di-đà Phật!” nghe thật hoà bình giữa những chú nhóc nghịch như giặc trận.
Ra phố học, tôi khiếp vía thấy một bạn gái “chơi” hẳn con rắn trong ba lô đến lớp. Cô bạn này thừa cá tính đến mức quái tính, thầy dạy toán còn choáng huống gì tôi. Vật cưng này thì đến con chuột già của Ron hay con cóc của Nevill (bạn của Harry Potter) cũng chào thua!
Mà đâu cần phải độc đáo, học trò nào cũng có cái gì đó để mang đến lớp. Lớp càng thấp, gia tài càng nhiều, bí mật càng ít. Này là chùm dây chun kết lại để nhảy dây. Này là bó que chuyền. Không biết chúng quý thế nào nên chúng tôi cứ thử giật chạy. Còn con quay của tụi tôi thì quý như đĩa bay. Những viên bi ve đa sắc thì quý khác gì ngọc bội gắn vào tuổi ấu thơ. Thật kỳ lạ là túi quần sooc của con trai tụi tôi luôn thủng. Lớn lên rồi mới biết vì gia tài là những viên phấn. Có vải nào chịu nổi chất vôi ngấm nước xà phòng ăn mòn nó?
Học trò nghèo đi học mang cái áo của chị, bộ sách của anh. Đến lớp cô giáo hỏi “con của mẹ H, bố L hả?” mới biết mình còn mang theo cả nước da của mẹ, hình dáng của cha. Học trò nghèo đi học mang theo màu phèn đỏ trên móng chân sau vụ cấy. Và giấu trong ống quần là đôi bắp chân “chấm bi” vì đỉa cắn sau mùa hè lội ruộng.
Học trò quê đi học mang cốm nếp trong cặp, biết mùa gặt rộn ràng đã qua. Và mang theo vết bùn trên áo, biết mùa mưa bão đang đến. (Ở quê người ta cứ thản nhiên “huy động” học trò đắp đê, gặt chạy bão, bắt rầy nâu, bắt chuột, bắt châu chấu trong những mùa “chiến dịch”, như những lao động chính thực thụ bạn ạ!).
Học trò xóm núi mang theo cặp lồng cơm. Học trò xóm bãi mang theo mái chèo. Khi trời mưa họ chỉ mang theo chân đất. Ăn cơm chung thật vui. Nhờ đó mà tôi biết thêm rằng thân cây đu đủ cũng có thể thái lát để muối dưa. Và bạn biết thêm rằng cơm độn sắn thì dễ thiu hơn cơm không độn. Bạn có quả đào quả mận, tôi có quả chanh, có đùm muối ớt, cũng thành quà quê ngon vô địch toàn cầu.
Học trò quê thân nhau. Đôi khi bạn không mang gì tôi cũng biết bạn đang mang gì. Bạn đang mang những quả trứng của con gà mái mơ trên tà áo mới. (Những quả trứng mà con gà mái mơ nặn mình sinh nở để kịp ra chợ chuyển thành chiếc áo dài trắng đồng phục của bạn). Hay chiếc xe đạp bạn đi đến trường là một nửa lứa lợn mới sinh. Đôi dép bạn mang đến lớp đôi khi là mớ sắn củ khoai. Quả na cố sức mở mắt, qủa mít nóng lòng nở gai... Tất cả kịp cho bạn mùa đến lớp.
Học trò xóm núi mang theo cặp lồng cơm. Học trò xóm bãi mang theo mái chèo. Khi trời mưa họ chỉ mang theo chân đất. Ăn cơm chung thật vui. Nhờ đó mà tôi biết thêm rằng thân cây đu đủ cũng có thể thái lát để muối dưa. Và bạn biết thêm rằng cơm độn sắn thì dễ thiu hơn cơm không độn. Bạn có quả đào quả mận, tôi có quả chanh, có đùm muối ớt, cũng thành quà quê ngon vô địch toàn cầu.
Học trò quê thân nhau. Đôi khi bạn không mang gì tôi cũng biết bạn đang mang gì. Bạn đang mang những quả trứng của con gà mái mơ trên tà áo mới. (Những quả trứng mà con gà mái mơ nặn mình sinh nở để kịp ra chợ chuyển thành chiếc áo dài trắng đồng phục của bạn). Hay chiếc xe đạp bạn đi đến trường là một nửa lứa lợn mới sinh. Đôi dép bạn mang đến lớp đôi khi là mớ sắn củ khoai. Quả na cố sức mở mắt, qủa mít nóng lòng nở gai... Tất cả kịp cho bạn mùa đến lớp.
Và còn nhiều nữa những “ai” theo bạn đến lớp? Mỗi tâm tư người là một cõi riêng tư. Mỗi chiếc cặp là một bí mật học trò, tôi làm sao biết hết được. Nếu bạn kể ra, hẳn sẽ thú vị hơn nhiều lần tôi phải không?
Thật là những kỉ niệm đáng yêu!!!
Trả lờiXóaHihi